Khám phá và trang web của bạn
Phần Khám phá cho người dùng thấy nội dung liên quan đến những chủ đề họ quan tâm, dựa trên Hoạt động trên web và ứng dụng của họ.
Sự khác biệt giữa Khám phá và Tìm kiếm
Với Tìm kiếm, người dùng phải nhập một cụm từ tìm kiếm để tìm thông tin hữu ích liên quan đến cụm từ đó, nhưng Khám phá sử dụng phương pháp khác. Thay vì đưa ra kết quả cho một cụm từ tìm kiếm, Khám phá chủ yếu hiển thị nội dung dựa trên những gì hệ thống tự động của Google cho là phù hợp với mối quan tâm của người dùng.
Giống như một nguồn cấp dữ liệu được cá nhân hoá ở mức độ cao, Khám phá tự chủ động điều chỉnh theo mối quan tâm của người dùng và hiển thị nội dung phù hợp với mối quan tâm đó. Nội dung trong Khám phá được tự động làm mới khi có nội dung mới xuất bản. Tuy nhiên, mục đích của Khám phá là hiển thị mọi loại nội dung hữu ích trên web, chứ không chỉ là nội dung mới xuất bản.
Chúng tôi luôn cải thiện tính năng Khám phá để mang đến nội dung hữu ích và phù hợp với từng người dùng. Do tính chất ngẫu nhiên của Khám phá, lưu lượng truy cập trên Khám phá khó dự đoán hay kém tin cậy hơn lưu lượng truy cập trên Tìm kiếm. Hãy coi Khám phá chỉ là một nguồn lưu lượng truy cập bổ sung cho lưu lượng truy cập qua Tìm kiếm. Vì chúng tôi không ngừng cải thiện trải nghiệm người dùng trên Khám phá nên các trang web có thể sẽ nhận thấy lưu lượng truy cập có những thay đổi không liên quan đến chất lượng hoặc tần suất phát hành của nội dung.
Cách nội dung xuất hiện trong Khám phá
Những nội dung mà Google đã lập chỉ mục và đáp ứng chính sách nội dung của Khám phá sẽ tự động đủ điều kiện xuất hiện trên Khám phá. Bạn không bắt buộc phải sử dụng dữ liệu có cấu trúc hay thẻ đặc biệt. Xin lưu ý rằng cho dù nội dung của bạn đủ điều kiện thì nội dung đó cũng chưa chắc sẽ xuất hiện trên Khám phá.
Là một phần của Google Tìm kiếm, Khám phá sử dụng nhiều tín hiệu và hệ thống tương tự như Tìm kiếm đang sử dụng để xác định nội dung hữu ích và ưu tiên con người. Do đó, những ai muốn thành công trên Khám phá nên tham khảo lời khuyên của chúng tôi về việc tạo nội dung hữu ích, đáng tin cậy và ưu tiên con người.
Để tăng khả năng nội dung của bạn xuất hiện trên Khám phá, bạn nên thực hiện những việc sau:
- Dùng tiêu đề trang nắm bắt được bản chất của nội dung, nhưng không theo kiểu dụ người dùng nhấp vào.
- Đưa hình ảnh chất lượng cao và bắt mắt vào nội dung, đặc biệt là những hình ảnh lớn có nhiều khả năng thu hút lượt truy cập qua Khám phá. Hình ảnh lớn cần có chiều rộng tối thiểu là 1200 px và được kích hoạt bằng chế độ cài đặt
max-image-preview:large
hoặc bằng cách dùng AMP. Tránh sử dụng biểu tượng trang web làm hình ảnh. - Tránh các mánh khoé làm tăng mức độ tương tác một cách giả tạo, sử dụng các chi tiết gây hiểu lầm hoặc thổi phồng trong nội dung xem trước (tiêu đề, đoạn trích, hình ảnh) để tăng mức độ thu hút, hoặc bằng cách giấu giếm các thông tin quan trọng cần biết để hiểu được chủ đề của nội dung.
- Tránh các mánh khoé lôi kéo người dùng bằng cách thoả mãn sự tò mò, hứng thú hoặc giận dữ không lành mạnh.
- Cung cấp nội dung theo kịp các chủ đề thời sự nhiều người quan tâm, có cách kể chuyện hấp dẫn hoặc cung cấp thông tin chuyên sâu độc đáo.
Nhằm mang lại trải nghiệm tốt cho người dùng, Khám phá cố gắng tìm và trình bày những nội dung phù hợp với nguồn cấp dữ liệu dựa trên mối quan tâm (chẳng hạn như các bài viết và video), đồng thời, lọc bỏ những nội dung người dùng không mong muốn hoặc có thể khiến người dùng khó hiểu. Ví dụ: Phần Khám phá có thể sẽ không đề xuất những đơn xin việc, kiến nghị, biểu mẫu, kho lưu trữ mã, hoặc nội dung châm biếm không có ngữ cảnh. Phần Khám phá sử dụng công cụ Tìm kiếm an toàn nhưng lọc bỏ những nội dung có thể bị coi là gây sốc hoặc gây bất ngờ.
Tính năng Theo dõi và trang web của bạn
Tính năng Theo dõi cho phép mọi người theo dõi một trang web và nhận thông tin cập nhật mới nhất của trang web đó trong thẻ Đang theo dõi tại phần Khám phá trên Chrome. Hiện tại, nút Theo dõi là một tính năng dành cho người dùng đã đăng nhập, dùng tiếng Anh ở Hoa Kỳ, New Zealand, Nam Phi, Vương quốc Anh, Canada hoặc Úc và đang sử dụng Chrome trên Android. Tính năng này cũng dành cho người dùng đã đăng nhập, dùng tiếng Anh ở Hoa Kỳ và đang sử dụng Chrome trên iOS.
Theo mặc định, tính năng Theo dõi sử dụng nguồn cấp dữ liệu RSS hoặc Atom trên trang web của bạn. Nếu bạn không có nguồn cấp dữ liệu RSS hoặc Atom trên trang web của mình, Google sẽ tự động tạo một nguồn cấp dữ liệu cho toàn bộ miền của bạn dựa trên nội dung mà chúng tôi thấy trên trang web của bạn. Nếu có một hoặc nhiều nguồn cấp dữ liệu trên trang web của mình, bạn có thể tối ưu hoá trải nghiệm Theo dõi bằng cách chỉ rõ cho Google việc bạn muốn mọi người theo dõi nguồn cấp dữ liệu nào cho một trang cụ thể trên trang web của mình.
Tối ưu hoá trang web của bạn cho tính năng Theo dõi
Để giúp Google hiểu được bạn muốn mọi người theo dõi nguồn cấp dữ liệu nào cho một trang cụ thể, hãy liên kết nguồn cấp dữ liệu RSS hoặc Atom của bạn trong phần <head>
của trang trung tâm và trang chi tiết:
RSS
<link rel="alternate" type="application/rss+xml" href="https://example.com/rssfeed">
Atom
<link rel="alternate" type="application/atom+xml" href="https://example.com/atom-feed">
Ví dụ: phần tử <link>
này sẽ xuất hiện trên trang đích của blog của Trung tâm Google Tìm kiếm (trang trung tâm) và trên từng trang bài đăng riêng lẻ trên blog (trang chi tiết).
Trang trung tâm
<html> <head> <link rel="alternate" type="application/rss+xml" href="https://feeds.feedburner.com/blogspot/amDG" /> </head> <body> <h1>Google Search Central Blog</h1> </body> </html>
Trang chi tiết
<html> <head> <link rel="alternate" type="application/rss+xml" href="https://feeds.feedburner.com/blogspot/amDG" /> </head> <body> <h1>A new way to enable video key moments in Search</h1> </body> </html>
Nguyên tắc đối với nguồn cấp dữ liệu
Để đảm bảo Google có thể tìm thấy và hiểu được nguồn cấp dữ liệu RSS hoặc Atom của bạn, hãy làm theo những nguyên tắc sau:
- Đừng dùng tệp robots.txt để chặn nguồn cấp dữ liệu của bạn.
- Đảm bảo rằng nguồn cấp dữ liệu của bạn đã cập nhật, giống như đối với các tệp sơ đồ trang web.
- Nội dung quan trọng nhất đối với tính năng Theo dõi là phần tử
<title>
của nguồn cấp dữ liệu và các phần tử<link>
của mỗi mục. Hãy đảm bảo rằng nguồn cấp dữ liệu của bạn có các phần tử này. - Dùng một tiêu đề mô tả ngắn gọn cho nguồn cấp dữ liệu RSS, giống như cách bạn làm trên trang web.
Nên:Google Search Central Blog
Không nên:RSS Feed
hoặcCentral Blog
- Bạn có thể lưu trữ nguồn cấp dữ liệu ở một nơi khác ngoài miền của mình; Google có hỗ trợ tính năng này.
- Nếu bạn chuyển hướng nguồn cấp dữ liệu của mình, hãy sử dụng mã trạng thái HTTP
3xx (redirects)
để Google có thể theo dõi nguồn cấp đó.
Chỉ định nhiều nguồn cấp dữ liệu
Nếu có nhiều nguồn cấp dữ liệu trên trang web (ví dụ: một trang web tin tức có các nguồn cấp dữ liệu RSS cho trang chủ, mục kinh doanh và mục công nghệ), thì bạn nên thêm một phần tử <link>
vào một nguồn cấp dữ liệu phù hợp cho trang đó. Một nguồn cấp dữ liệu duy nhất sẽ dễ duy trì hơn và đem lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng khi họ đăng ký nội dung của bạn. Ví dụ: nếu bài viết của bạn là về công nghệ, hãy chỉ định nguồn cấp dữ liệu cho mục công nghệ trong phần tử <link>
.
<html> <head> <link rel="alternate" type="application/rss+xml" href="https://example.com/technology/feed/" /> </head> <body> <h1>What's next for Technology in 2022</h1> </body> </html>
Ngoài ra, bạn có thể thêm nhiều nguồn cấp dữ liệu theo thứ tự ưu tiên. Ví dụ: có thể bạn muốn mọi người theo dõi nguồn cấp dữ liệu cho trang chủ, sau đó đến mục kinh doanh, rồi đến mục công nghệ, theo thứ tự đó. Google sử dụng thông tin này để hiểu thêm về cách bạn sử dụng nhiều nguồn cấp dữ liệu trên trang web.
<html> <head> <link rel="alternate" type="application/rss+xml" href="https://example.com/feed/" /> <link rel="alternate" type="application/rss+xml" href="https://example.com/business/feed/" /> <link rel="alternate" type="application/rss+xml" href="https://example.com/technology/feed/" /> </head> <body> <h1>What's next for Business and Technology in 2022</h1> </body> </html>
Theo dõi hiệu suất trên Khám phá
Nếu có nội dung trên Khám phá, bạn có thể theo dõi hiệu suất của nội dung đó bằng Báo cáo hiệu suất cho Khám phá. Báo cáo này cho biết số lượt hiển thị, số lượt nhấp và tỷ lệ nhấp (CTR) cho mọi nội dung từng xuất hiện trên Khám phá trong 16 tháng qua, với điều kiện dữ liệu của bạn đạt đến ngưỡng tối thiểu về số lượt hiển thị. Báo cáo hiệu suất cho Khám phá bao gồm cả lưu lượng truy cập qua Chrome và theo dõi đầy đủ lưu lượng truy cập của trang web trên Khám phá qua mọi nền tảng nơi người dùng tương tác với Khám phá. Báo cáo này bao gồm cả số lượt hiển thị và số lượt nhấp qua thẻ Đang theo dõi.